TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN VÀ ĐÁNH GIÁ VỀ SẢN PHẨM CHƯƠNG TRÌNH KIỂM TOÁN MẪU

on Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011
Ông Melvzn George Crowle - Tổng Giám đốc Grant Thorton Việt Nam
Chuyên gia quốc tế của Dự án
“Tăng cường năng lực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Kính thưa Quý vị!

Trước tiên tôi xin tự giới thiệu, tôi là Melvyn Crowle hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty Grant Thornton Vietnam, Văn phòng tại Việt Nam của hãng kiểm toán quốc tế Grant Thornton International. Tôi là một thành viên của Hội Kế toán công chứng của Anh và xứ Wales từ năm 1967 và vào năm 2001 tôi được cấp chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam và vẫn luôn làm việc trong vai trò kiểm toán viên tại Việt Nam kể từ đó đến nay. Tôi đã được tuyển chọn tham gia là Chuyên viên tư vấn Quốc tế trong dự án TF 092507, hợp phần xây dựng Chương trình kiểm toán mẫu do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Ngân hàng Thế giới rất xứng đáng được tuyên dương và ca ngợi vì những hỗ trợ của mình cho việc xây dựng tăng cường năng lực tại Việt Nam và tại các quốc gia khác. Mục tiêu của dự án này là xây dựng năng lực trong lĩnh vực Kiểm toán, vốn là một lĩnh vực mà Ngân hàng Thế giới luôn coi là vấn đề hết sức quan trọng.

Các công ty Kiểm toán quốc tế lớn, trong đó có Grant Thornton, đều đã tự thiết kế và phát triển phần mềm kiểm toán dùng trong mạng lưới hãng thành viên của mình để tạo ra và quản lý các chương trình kiểm toán. Tuy nhiên, đối với một công ty kiểm toán ở quy mô nhỏ hơn thì việc tự tạo ra được các phần mềm tương đương là rất khó khăn, nếu như không nói là không thể, bởi các công ty kiểm toán lớn hơn coi phần mềm mà họ tạo ra là tài sản riêng và không trao quyền sử dụng cho người ngoài công ty. Phần mềm kiểm toán hiện có trên thị trường thì chất lượng lại chưa cao bằng phần mềm của các công ty kiểm toán này. Chính vì thế, mục đích của dự án là phát triển một Chương trình kiểm toán mẫu được thiết kế đặc biệt dành cho Việt Nam để các công ty kiểm toán ở quy mô nhỏ có thể sử dụng khi tiến hành kiểm toán. Chương trình kiểm toán mẫu này sẽ được áp dụng cho tất cả các cuộc kiểm toán các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ, bao gồm cả việc kiểm toán cho các Công ty Niêm yết.

Một đội ngũ tư vấn đã được hình thành bao gồm một Chuyên gia Tư vấn Quốc tế là tôi, hai Chuyên gia trong nước, hai cán bộ chuyên môn của VACPA và Ban quản lý dự án. Nhiệm vụ của chúng tôi là lập ra một chương trình kiểm toán dùng cho mục đích chung để có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng. Chương trình kiểm toán mẫu này sẽ giải quyết/đề cập đến tất cả các khía cạnh của công việc kiểm toán, từ việc chấp thuận khách hàng, lập kế hoạch kiểm toán, kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, các thủ tục kiểm toán chi tiết, các thủ tục hoàn thành và quản lý chất lượng kiểm toán. Đây sẽ là một Chương trình kiểm toán mẫu chuẩn để kiểm soát những chức năng nêu trên.

Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình xem xét các Chuẩn mực của Việt Nam về Kiểm toán, và chúng tôi hy vọng các chuẩn mực mới sẽ được ban hành và các chuẩn mực cũ sẽ được hoàn thiện trong một hai năm tới. Vì thế chúng tôi đã quyết định xây dựng Chương trình kiểm toán mẫu này dựa vào các Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế hiện được chấp nhận tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam sắp được sửa đổi sẽ có cùng quan điểm với Chương trình kiểm toán mà chúng tôi thiết kế nên.

Chi tiết về dự án

Những phác thảo ban đầu của Chương trình kiểm toán mẫu đã được thiết lập và đã định hình theo đúng dự định. Phác thảo này bao gồm một danh mục mà chúng tôi nhận thấy rằng sẽ diễn tả được cấu trúc tối ưu của Chương trình kiểm toán mẫu. Kết quả là chúng tôi đã có các phần riêng của chương trình cho từng phạm vi công việc chính. Chẳng hạn như chúng tôi có một phần về Kế hoạch Kiểm toán Chung gồm các tiểu phần để chấp thuận /tái chấp thuận khách hàng hay các điều khoản của Hợp đồng/ Thỏa thuận kiểm toán (ví dụ như thư hẹn kiểm toán, cam kết về tính độc lập v.v), để hiểu về tình hình kinh doanh của khách hàng, để tính toán mức độ trọng yếu và để cho các phần hành quan trọng khác. Chúng tôi cũng có các phần cho Các thủ tục hoàn thành và Báo cáo, Kiểm tra hệ thống Kiểm soát nội bộ và các thủ tục kiểm toán chi tiết.

Thông thường, có các chương trình kiểm toán khác nhau cho việc kiểm toán từng mục trong bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn chương trình kiểm toán doanh thu sẽ kiểm tra các hóa đơn bán hàng để chứng minh việc bán hàng và một chương trình kiểm toán khác dành cho việc kiểm toán các khoản phải thu khách hàng để chứng minh cho các khoản phải thu. Tuy nhiên có một phương án tiếp cận hiện đại hơn đã chỉ ra rằng các mục trong báo cáo doanh thu có liên quan nội bộ đến các mục trong bảng cân đối kế toán và rằng công việc kiểm toán có thể được thực hiện một cách hiệu quả nếu như chúng ta tiến hành kiểm toán theo chu trình giao dịch, hơn là tiến hành kiểm toán các khía cạnh khác nhau của từng chu trình một cách riêng rẽ. Ví dụ như, trong chu trình kiểm toán khoản phải thu/doanh thu chúng ta chỉ phải kiểm tra các hóa đơn bán hàng một lần, vì phương pháp này sẽ chứng minh cho cả việc bán hàng và khoản phải thu. Do đó chúng tôi đã quyết định áp dụng phương cách tiếp cận theo chu trình này cho công việc kiểm toán trong Chương trình kiểm toán mẫu. Phần về kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ cũng được thiết kế nhằm cho mục đích này.

Rất tiếc là có một lĩnh vực khó khăn chính mà chúng tôi gặp phải. Thông thường, khi đã kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, các kiểm toán viên sẽ xác định được những thủ tục kiểm soát quan trọng hoạt động hiệu quả và dựa vào những kiểm soát này để điều chỉnh các thủ tục kiểm tra chi tiết, sẽ giảm thiểu đáng kể công việc kiểm tra chi tiết. Tuy nhiên trong thực tế, việc điều chỉnh giảm các thủ tục kiểm tra chi tiết lại do máy tính thực hiện và sử dụng các thuật toán phức tạp. Do đó, rất khó để có thể đưa ra hướng dẫn thực hiện cụ thể để điều chỉnh như vậy trong một chương trình kiểm toán thủ công, do đó chúng tôi dự định đưa ra hướng dẫn về các vấn đề này trong các buổi tập huấn.

Cũng vì khó khăn này mà chúng tôi đã phải bố trí các thủ tục kiểm toán chi tiết bằng cách phân loại theo các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Mặc dù chúng tôi đang sử dụng phương pháp tiếp cận theo chu trình, chúng tôi vẫn thấy rằng cần thiết phải sử dụng mẫu này bởi đặc thù về mặt thủ công của chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể trong phần tập huấn để tránh việc thực hiện trùng lắp các công việc.

Một vấn đề khác mà chúng tôi gặp phải là trong việc tính toán các kích cỡ mẫu kiểm tra. Trong các chương trình được máy tính hóa các kích cỡ mẫu bằng cách sử dụng các phép toán phức tạp liên quan đến lý thuyết xác suất. Việc yêu cầu một kiểm toán viên hành nghề phải có kiến thức này là không hợp lý nên chúng tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn trong phần tập huấn bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên kinh nghiệm để tính toán các kích cỡ mẫu dựa theo cách thức thông thường.

Ngoài ra, sau khóa đào tạo này, Chương trình kiểm toán mẫu còn được các Công ty kiểm toán, các hội viên VACPA tham gia ý kiến chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sau 1 năm áp dụng thử nghiệm, chương trình kiểm toán mẫu sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi áp dụng chính thức trong năm sau.

Vai trò của tôi trong dự án

Là Chuyên gia Tư vấn Quốc tế trong Dự án, vai trò của tôi là gặp gỡ với các thành viên trong nhóm tư vấn trong suốt các giai đoạn khác nhau trong quá trình tiến hành dự án. Chúng tôi đã cùng bàn bạc về cách tiếp cận ban đầu và tôi soát xét lại các phần công việc đệ trình lên bởi hai tư vấn trong nước và đưa ra nhận xét góp ý cụ thể.

Có thêm một vấn đề trong khi làm dự án là tôi không nói được Tiếng Việt và Chương trình kiểm toán mẫu lại phải được viết bằng Tiếng Việt, do hạn chế về mặt thời gian, không có bản dịch Tiếng Anh. Tuy nhiên tôi cũng đã khắc phục vấn đề thông qua trợ giúp của kiểm toán viên cao cấp và trưởng phòng kiểm toán trong công ty Grant Thornton Vietnam qua việc trợ giúp dịch phần nội dung của chương trình cũng như giúp tôi trong vấn đề thông ngôn. Do vậy tôi tin là mình đã giành được kết quả như mong đợi.

Đánh giá của tôi về dự án và vai trò của VACPA và Ngân hàng thế giới

Tôi đánh giá rất cao và xin được tuyên dương Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Ngân hàng Thế giới khi đề xuất thực hiện dự án này. Nó cho thấy tầm nhìn xa và sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của Việt Nam.  Tôi tin tưởng rằng một dự án với chức năng như thế này là cần thiết và sẽ góp phần cải thiện chất lượng kiểm toán tại Việt Nam. Liệu tôi có thể nói dự án đã thành công như mong đợi? Tôi nghĩ rằng câu trả lời phải là “có”.

Tôi đã vừa đề cập đến những khó khăn mà tôi cho là lớn nhất mà chúng ta có thể sẽ gặp phải, tôi cũng vừa trình bày xong những đề xuất của chúng tôi nhằm giải quyết các khó khăn này. Tôi tin tưởng rằng nếu được áp dụng đúng cách dự án sẽ thành công.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét